Sân khấu đặc biệt để biểu diễn múa rối nước được gọi là thủy đình hay theo cách dân dã hơn là buồng trò. Thủy đình được dựng trên mặt nước, mang dáng dấp và lối kiến trúc của mái đình nông thôn, chất chứa những yếu tố văn hóa Việt. Đây cũng là nơi để các nghệ nhân đứng để điều khiển rối nước với hai kiểu: Thủy đình được cố định bằng ngói đỏ và thủy đình dùng để đi lưu diễn bằng phên tre, khung ống nước; hay sân khấu múa rối nước cũng được trang bị với các dụng cụ như cờ, voi, võng lọng, quạt, cổng… đem đến không gian diễn xướng đặc trưng đậm chất dân gian và đời sống của người Việt tại các làng quê Bắc bộ.

Những người nghệ sĩ tài hoa giấu mặt

Yếu tố mang đến một vở diễn rối nước hoàn chỉnh và thành công thì không thể không kể đến kỹ thuật điều khiển điêu luyện của người biểu diễn. Để có được những tràng pháo tay, sự trầm trồ của khán giả thì sau tấm mành kia là những nghệ sĩ đang trầm mình dưới làn nước với biết bao sự khổ luyện bền bỉ.

Một con rối có thể nặng đến 15kg đòi hỏi người biểu diễn phải nỗ lực để điều khiển nó n một cách sinh động nhất. Với múa rối nước, những người nghệ sĩ phải học qua hát, múa, kịch… bằng hình thể của mình, rồi trau dồi bằng kỹ năng tập luyện hằng ngày, truyền tải và đặt hồn mình vào con rối để có thể điều khiển một cách điêu luyện, chạm đến cảm xúc của khán giả.

Điều khiển rối hoàn toàn bằng thủ công nên người nghệ sĩ phải siêng năng luyện tập và khéo léo để đảm bảo sự chuyển động uyển chuyển của con rối phù hợp với nhịp điệu nhạc. Cũng vì độ cảm nhạc, nhận biết tiết tấu cũng như nét biểu diễn con rối mỗi nghệ sĩ khác nhau nên sẽ tạo ra sự khác biệt của từng người.

Những người nghệ sĩ tài hoa này luôn đứng đằng sau để điều khiển những con rối sặc sỡ, thổi hồn vào trong từng chuyển động của quân rối, mang đến những buổi biểu diễn sinh động và nhiều tiếng cười khán giả. Họ luôn tự hào giới thiệu nét đẹp văn hóa đậm bản sắc dân tộc độc nhất chỉ có tại Việt Nam – múa rối nước.

Nguồn gốc của nghệ thuật múa rối nước

Dấu ấn của nghệ thuật múa rối nước còn tồn tại đến nay mà ta có thể nhận thấy đó là bia Sùng Thiện Diên Linh được dựng vào đời vua Lý Nhân Tông năm 1121 tại chùa Long Đọi (tỉnh Hà Nam). Văn bia có ghi nhân dân biểu diễn Rối nước để mừng thọ Vua.

Nghệ thuật múa rối có nguồn gốc từ vùng châu thổ sông Hồng của Việt Nam, khi đây là thú chơi tao nhã của người dân nơi đây và đến nay đã trở thành một loại hình nghệ thuật truyền thống được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Người Việt Nam ở thế kỷ trước với niềm tin rằng thần linh luôn quan sát và điều khiển đời sống của họ từ căn bếp đến cánh đồng lúa nước. Đó cũng là lý do vì sao những người nông dân luôn nghĩ ra nhiều hình thức giải trí và thờ cúng những vị thần linh này để cầu một cuộc sống yên bình.

Với cuộc sống sinh hoạt nông nghiệp trồng lúa nước của người nông dân ở đồng bằng Bắc bộ, kết hợp cùng môi trường tự nhiên và trí tưởng tượng phong phú của ông cha ta đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ thuật múa rối nước ra đời. Loại hình nghệ thuật này thường được tổ chức diễn vào những ngày đồng án, hội xuân, lễ hội…  Múa rối nước là kết quả của sự sáng tạo của người nông dân Việt suốt những ngày rong ruổi trên những cánh đồng lúa ngập nước.

Dưới triều đại nhà Lý, vào thế kỷ XI – XIV, các đoàn múa rối nước xuất sắc nhất trong nước được chọn biểu diễn trong cung đình để chiêu đãi nhà vua và các vị quan khách, điều này đã đánh dấu một tầm cao mới cho địa vị xã hội của môn nghệ thuật này. Sau nhiều thế kỷ, múa rối nước vẫn luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả trong nước và ngoài nước, trở thành di sản nghệ thuật độc đáo trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, khẳng định giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc.

Gìn giữ nét văn hóa mộc mạc và sâu sắc của Việt Nam

Những vở rối được tạo nên từ nhiều tích trò sự tích dân gian, khắc họa cuộc sống đời thường của người Việt nổi bật như đi cày bừa, gặt lúa, đánh cá, giã gạo hay các cảnh lễ hội như chọi trâu, đua thuyền, đấu vật… Lịch sử dân tộc cũng được tái hiện trên sân khấu múa rối nước như Hai Bà Trưng, Vua Lê Lợi hoàn kiếm… cùng các vở chèo nổi tiếng như Thị Mầu lên chùa, Quan âm Thị Kính…

Từng vở diễn được sinh ra từ đời sống của những người nông dân nơi thôn quê, múa rối nước như vẽ lên một bức tranh hiện thực về cuộc sống từ con người, mái đình, lũy tre, lễ hội… Hòa cùng lời ca, tiếng nhạc dân gian, những con rối như đang sống lại hóa thành từng nhân vật trong cuộc sống, các lễ hội linh đình. Những vở diễn múa rối nước cũng phản ánh những khát vọng của thời đại xưa, của những người lao động quanh năm suốt tháng bên cánh đồng lúa.

Ngoài ra, múa rối nước còn là bức tranh hiện thực phản ánh đời sống tâm linh khi sử dụng những nhân vật linh thiêng như long, phượng, cô tiên cùng các hoạt động thờ cúng trong các vở diễn khi tâm linh là một yếu tố gắn bó trong đời sống của người Việt Nam. Qua bố cục sân khấu, từng đường nét khắc họa trên những con rối tinh xảo hòa cùng màu sắc, âm thanh, nhịp điệu và kĩ năng điều khiển điêu luyện tạo nên giá trị nghệ thuật của múa rối nước.

Bên cạnh đó, nghệ thuật này còn được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau, những kĩ thuật “bí truyền” không thể ghi lại trên sách vở mà chỉ có thể học qua sự hướng dẫn. Cũng vì lí do này, mỗi địa phương mang trên mình những dấu ấn riêng biệt, tạo nên sự phong phú và đa dạng trong nghệ thuật múa rối nước. Đây là kết quả của trí tuệ, sự sáng tạo và thông minh của con người đất Việt.

Những người nghệ sĩ múa rối nước cũng cần truyền tải chiều sâu cũng như giá trị của nghệ thuật múa rối nước tới lớp trẻ. Từ đó, những người trẻ có thể hiểu rõ, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và có nhân thức sâu hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của loại hình nghệ thuật này cũng như truyền thống dân tộc.

Múa rối nước không chỉ được khán giả Việt trân trọng mà còn được những người bạn quốc tế thích thú và đón nhận. Đứng trước xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, những giá trị nghệ thuật văn hóa và truyền thống cũng gặp khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy. Múa rối nước là loại hình nghệ thuật mang tính độc nhất trên thế giới với nhiều giá trị nghệ thuật và văn hóa dân tộc, vì vậy rất cần sự quan tâm và gìn giữ và bảo tồn của người dân Việt Nam.

Cũng từ những vở múa rối nước, ta như thấy yêu thêm những con người trên dải đất hình chữ S xinh đẹp, hiền lành, chịu khó, chăm chỉ, không ngại những gian khó và luôn ước mơ về một tương lai cuộc sống tốt đẹp hơn. Mỗi vở rối cũng là mỗi cơ hội để ta có thể tìm hiểu về những giá trị nghệ thuật, văn hóa và lịch sử dân tộc của Việt Nam. Vậy nên, ta cần bảo tồn và phát huy những nét đẹp, mộc mạc và sâu sắc của nghệ thuật múa rối nước có một không hai của Việt Nam.

Con rối – Linh hồn của múa rối nước

Để tạo nên linh hồn cũng như sự thành công của vở diễn múa rối nước thì ắt không thể thiếu đi hình ảnh của con rối nước được chế tác công phu, lung linh và tinh xảo. Kiểu dáng của rối nước đều mang đậm nét dân dã của cuộc sống và văn hóa Việt Nam từ anh hùng dân tộc, nhân vật trong truyện cổ tích, linh vật trong đền chùa Phật giáo đến những nhân vật đời thường.

Tất cả con rối đều được làm từ chất liệu gỗ sung. Theo NSƯT Chu Lượng, Nguyên Phó Giám đốc Nhà hát múa rối nước Thăng Long – nhà thiết kế múa rối nước dày dặn kinh nghiệm cho biết gỗ sung là chất liệu tốt nhất để tạo ra những con rối: “Gỗ sung bị xem là vô dụng vì không thể dùng để nhóm lửa nấu ăn hoặc làm đồ nội thất. Có lẽ vì vậy mà người Việt thường dùng để tập chạm khắc những đồ vật như con rối mỗi khi rảnh rỗi, và từ đây người ta mới biết được gỗ sung nhẹ và chống thấm nước. Đó cũng là chất liệu phù hợp nhất để làm rối nước.“

Sau khi được chạm khắc, các con rối sẽ được sơn mài gồm  năm giai đoạn chính. NSƯT Chu Lượng tiếp tục chia sẻ: “Đầu tiên, các vết nứt trên con rối được lấp đầy bằng sơn mài. Sau đó, nghệ nhân dùng lưới để che phủ chúng. Tiếp đến, các con rối sẽ được bôi bằng hỗn hợp sơn mài Việt Nam và phù sa sông Hồng. Công đoạn này giúp cho con rối có bề mặt chống thấm nước và sau đó nghệ nhân sẽ đánh bóng bề mặt của chúng. Cuối cùng, những con rối sẽ được sơn đen và sấy khô trước khi sơn các màu sắc khác để tạo thành khuôn mặt, hình dáng và quần áo.“

Các màu sắc sẽ khác nhau từ đỏ, vàng, hồng, đen… để tô đậm từng đường nét tính cách cho nhân vật, đem đến cảm giác của thiên nhiên tươi đẹp cùng văn hóa tôn giáo Việt Nam. Trang phục của các con rối cũng lột tả rõ nét từ các giai cấp cao đến sự mộc mạc, cũ kỹ như: nhà vua, quan lại, lính tráng, nông dân, người lao động nghèo khổ…

Tùy thuộc vào từng phường, từng vùng mà mỗi quân rối sẽ mang kích thước cũng như ngoại hình riêng từ khoảng 30cm – 70cm. Nhân vật rối nước được tạo hình đa dạng theo các chủ đề khác nhau trong cuộc sống hằng ngày của người nông dân như khi làm việc trên đồng lúa, chăn vịt, đua thuyền cho đến đời sống tâm linh Việt Nam, chẳng hạn như minh họa nghi lễ, các điệu múa rồng, sư tử…

Khi nhắc đến nghệ thuật múa rối nước thì không thể không kể đến chú Tễu – nhân vật đại diện cho bộ môn múa rối nước, thường xuất hiện mở màn vở diễn hoặc là người dẫn chương trình, giao lưu với các khán giả.

Mỗi quân rối đều mang những đường nét hình hài khác nhau, chứa đựng linh hồn, cốt cách của người Việt Nam. Các con rối nước là kết quả của quá trình lao động sáng tạo đầy gian khổ của các nghệ nhân để có thể tạo ra những con rối mang tính thẩm mỹ cao, vừa thể hiện ý nghĩa tinh thần mà vừa biến tấu để phù hợp với nội dung, đem đến sự thành công của vở diễn.